Định nghĩa về Cách mạng Công nghiệp 4.0:
“Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ Ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần Ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học“.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra như thế nào?
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.
Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi.
Những bước chuyển đổi của ngành Điện
Ứng dụng thành quả Cách mạng Công nghiệp 4.0 để đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên Top 4 đơn vị Điện lực hàng đầu ASEAN – Đó là khẳng định của ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN tại Hội thảo về Cách mạng Công nghiệp 4.0 với các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Hội thảo do EVN phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội.
Ông Võ Quang Lâm cho biết, quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, EVN cũng đã có lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, từng bước triển khai hệ thống đo đếm tiên tiến.
EVN đã triển khai hệ thống SCADA, xây dựng các trạm biến áp không người trực, trung tâm điều khiển từ xa tại các đơn vị, bước đầu xây dựng bản đồ GIS và dữ liệu lớn (Big data) của Tập đoàn… Trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, một số đơn vị của EVN đã thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng. Năm 2018, EVN sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến tới cấp độ 4 – cấp độ cao nhất hiện nay.
“EVN sẽ tích cực tiếp cận các thành quả Cách mạng Công nghiệp 4.0 để ứng dụng hiệu quả, xây dựng Tập đoàn trở thành 1 trong 4 đơn vị Điện lực hàng đầu ASEAN, mang tới những dịch vụ điện tốt nhất cho khách hàng” – ông Võ Quang Lâm cho hay.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt lưu ý ngành Điện về an toàn thông tin trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, khi mức độ tự động hóa của các trạm biến áp gia tăng cũng có thể dẫn tới nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Do vậy, việc phát triển công nghệ phải song hành với đảm bảo an toàn thông tin cho ngành Điện là yếu tố sống còn.
(Theo: EVNNPC)